[Văn mẫu học sinh] Phân tích nhân vật chị Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Nêu vấn đề nghị luận:
Phân tích nhân vật chị Chiến.
2. Thân bài:
Luận điểm 1: Khái quát về tác giả, tác phẩm.
Tác giả Nguyễn Thi:
+Được mệnh danh là “Nhà văn của người dân Nam Bộ”, một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam.
+Tuổi thơ nhiều đau khổ. Khi cha mất và mẹ thì đi bước nữa. Sống nương nhờ họ hàng.
+Dành nhiều tình yêu cho kháng chiến, cho cách mạng.
+Tác giả đa tài với nhiều thể loại sáng tác: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết.
+Sáng tác của ông thường bắt nguồn từ hiện thực nóng bỏng của chiến tranh. Nhân vật trong truyện là những con người yêu nước mãnh liệt, có lòng căm thù giặc sâu sắc.
Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình:
+ Được viết năm 1966- trong những ngày kháng chiến ác liệt khi tác giả đang công tác tại tạp chí văn nghệ Quân giải phóng.
+Kể về nhân vật Việt trong trận chiến ác liệt ở chiến trường cùng những dòng hồi tưởng về gia đình.
+Tác phẩm tiêu biểu cho văn phong Nguyễn Thi.
Luận điểm 2: Nhân vật Chiến.
Cô gái đảm đang, tháo vát và rất mực thấu hiểu hoàn cảnh.
+Ngoại hình mang vẻ tần tảo, lam lũ.
+Luôn nhường nhịn, chăm lo cho các em thay cho má đã mất.
+Biết đặt mình vào hoàn cảnh để suy nghĩ, giải quyết các công việc từ nhỏ đến lớn trong gia đình:
- hai chị em đều đi đánh giặc thì ai chăm em út.
- căn nhà, ruộng cấy được thu xếp ổn thoả.
- suy tính đặt bàn thờ má bên nhà chú Năm.
Có tinh thần gan dạ cùng với bản lĩnh cứng cỏi.
+Khi còn nhỏ đã có chiến công bắn cháy tàu giặc và được chú Năm ghi vào cuốn sổ gia đình.
+Đăng kí đi tòng quân đánh giặc với sự quyết tâm cao độ: “Nếu giặc còn thì tao mất”.
Luận điểm 3: Đánh giá về nghệ thuật và nội dung.
3. Kết bài:
Khẳng định giá trị và ý nghĩa của hình tượng nhân vật chị Chiến.
Bài làm tham khảo
Hình ảnh người phụ nữ được khắc hoạ trong thơ văn chủ yếu gắn cùng với những bi kịch và khổ đau. Dù ở thời đại nào, người phụ nữ vẫn bị gán ghép với những gì kém cỏi, yếu đuối. Thế nhưng, khi bước vào những trang viết của Nguyễn Thi, hình bóng người con gái Việt Nam bỗng trở nên thật anh hùng, kiên cường không thua kém đấng mày râu. Trong truyện ngắn những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã thật sự trân trọng, ngợi ca giá trị của người phụ nữ qua hình ảnh nhân vật chị Chiến.
Nguyễn Thi được mệnh danh là “Nhà văn của người dân Nam Bộ”, một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam. Tuổi thơ của ông chất chứa nhiều đau khổ khi không có được sự yêu thương, chăm sóc từ người cha đã sớm ra đi. Ông phải sống nương nhờ họ hàng. Tình yêu thương của ông không có nơi để giãi bày và có lẽ vì thế mà Nguyễn Thi dành nhiều tình yêu cho kháng chiến, cho cách mạng. Ông cũng là cây bút đa tài với nhiều thể loại sáng tác: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Sáng tác của ông thường bắt nguồn từ hiện thực nóng bỏng của chiến tranh. Nhân vật thường là những con người yêu nước mãnh liệt, có lòng căm thù giặc sâu sắc.
Truyện ngắn được viết năm 1966- trong những ngày kháng chiến ác liệt khi tác giả đang công tác tại tạp chí văn nghệ Quân giải phóng. Kể về nhân vật Việt trong trận chiến ác liệt ở chiến trường cùng những dòng hồi tưởng về gia đình có má, chị Chiến, chú Năm… Là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho văn phong Nguyễn Thi.
Nhân vật chị Chiến hiện lên trong truyện ngắn chính là hìn hình ảnh tiêu biểu cho người con gái Việt Nam với những nét đẹp được khắc họa từ ngoại hình đến tính cách. Cô gái đảm đang, tháo vát và rất mực thấu hiểu hoàn cảnh. Ngoại hình của chị mang vẻ tần tảo, lam lũ. Và đó cũng là chân dung ngoại hình tiêu biểu cho những người phụn nữ nông dân miền Tây nói riêng, nhân dân lao động Việt Nam nói chung. Chị cũng là người chị đúng mực: Luôn nhường nhịn, chăm lo cho các em thay cho má đã mất. Trong gia đình nhỏ ấy, chị Chiến nắm vai trò quan trọng. Chị vừa là cha, vừa là mẹ dẫu tuổi đời mới lớn. Chị phải đặt mình vào hoàn cảnh để suy nghĩ, giải quyết các công việc từ nhỏ đến lớn trong gia đình: hai chị em đều đi đánh giặc thì ai chăm em út, căn nhà, ruộng cấy được thu xếp ổn thoả, suy tính đặt bàn thờ má bên nhà chú Năm. Chính Việt cũng nhìn ra hình ảnh má trong con người chị Chiến.
Đằng sau vẻ ngoài hồn hậu ấy của chị là một tinh thần gan dạ cùng với bản lĩnh cứng cỏi. Điều đó đã được minh chứng từ tấm bé, còn nhỏ chị đã có chiến công bắn cháy tàu giặc và được chú Năm ghi vào cuốn sổ gia đình. Người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến đều mang dáng dấp của Bà Trưng, Bà Triệu: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Lớn lên, khi có những hiểu biết cùng những đau thương trước hi sinh của ba má, sự nheo nhóc của đàn em thơ. Chị càng ý thức được nỗi đau chiến tranh và đăng kí đi tòng quân đánh giặc với sự quyết tâm cao độ: “Nếu giặc còn thì tao mất”. Hình ảnh chị Chiến như một bông hoa đẹp nở rực rỡ giữa vùng sông nước miền Tây. Chính những dòng sông, con kênh đã đùng sóng nước và thổi lên tinh thần ý chí của người con gái ấy: hun đúc tinh thần, ý chí ngoan cường.
Nhân vật chị Chiến được nhà văn xây dựng bằng ngòi bút tả thực. Tuy chỉ là mảng kí ức ít ỏi hiện về trong tâm trí Việt nhưng hình ảnh chị lại lớn lao vô cùng. Mỗi lời trần thuật, mỗi lời đối thoại của nhà văn đều cho thấy vốn hiểu biết phong phú của ông về mảnh đất miền Tây sông nước. Có không ít những tác giả viết về miền Tây, viết về kháng chiến. Nhưng Nguyễn Thi cùng câu chuyện của mình vẫn giữ vai trò lan tỏa. Thiên truyện với những chị Chiến, với những người chiến sĩ như Việt mãi khắc sâu trong tâm trí người đọc.
Như một quy luật tất yếu của tự nhiên: có áp bức thì sẽ có đấu tranh, tre già thì măng mọc. Thế hệ của những người như chị Chiến, như Việt là thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng. Họ thay thế cho những lớp lớp cha ông ngã xuống vì độc lập. Hình ảnh con người của chiến tranh thật kì vĩ, lớn lao. Tinh thần kiên cường, bất khuất của Chiến, Việt mãi sáng lên cùng trang viết của Nguyễn Thi. Bao thế hệ bạn đọc đã trôi đi nhưng giá trị về hình ảnh những con người như vậy sống mãi cùng non sông.
Nguyễn Thị Thu Trang