[Văn mẫu học sinh] Phân tích tám câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc
Dàn ý chi tiết
1.
Hướng dẫn
Mở bài:
Giới thiệu bài thơ Việt Bắc và tám câu thơ đầu bài Việt Bắc.
2. Thân bài:
Luận điểm 1: khái quát về tác giả, tác phẩm
Tác giả Tố Hữu:
_ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam với tiếng thơ tự sự trữ tình.
_ chặng đường thơ Tố Hữu luôn gắn liền với dấu ấn của lịch sử dân tộc.
_Tập thơ tiêu biểu: Một tiếng đờn, Máu và hoa,Từ ấy
Tác phẩm:
_Việt Bắc là một trong những tác phẩm thơ tiêu biểu cho tiếng thơ tự sự, trữ tình của Tố Hữu.
Được sáng tác nhân sự kiện tháng 10/1954, Trung ương Đảng và Chính phủ dời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội.
Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần đầu của bài thơ Việt Bắc- tác phẩm đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
Luận điểm 2) Phân tích tám câu đầu Việt Bắc.
Lời tâm tình của người ở lại.
_ Nỗi nhớ thời gian gắn bó giữa cán bộ và nhân dân.
+ mười lăm năm.
+ cặp từ nhân xưng “mình- ta” giản dị, thân thiết.
_ Nỗi nhớ không gian Việt Bắc.
+câu hỏi tu từ.
+điệp từ “có nhớ, có thấy”.
+tính từ giàu sắc thái biểu cảm “thiết tha, mặn nồng”.
=> Gợi nhắc đạo nghĩa ân tình, thủy chung. Là những lời nhắc nhở người ra đi hãy mãi nhớ về cảnh vật, về người Việt Bắc.
Tiếng lòng của người đi- đây cũng là những dòng độc thoại nội tâm chân tình, tha thiết.
_ các từ láy giàu sắc thái biểu cảm: bâng khuâng, bồn chồn.
_ hình ảnh hoán dụ độc đáo: áo chàm và hình ảnh “cầm tay” lưu luyến, bịn rịn của người đi, kẻ ở.
Luận điểm 3: Đánh giá nội dung, nghệ thuật.
Sử dụng nhịp nhàng thể thơ lục bát, từ láy, hình ảnh thơ giàu sắc thái biểu cảm.
Đoạn thơ là lời tâm tình người đi, kẻ ở. Tình cảm thiết tha, nồng nàn được bộc lộ trực tiếp như một lời khẳng định dù chia xa cũng sẽ mãi không quên, không nguôi nhớ về cảnh cũ, người xưa của các đối tượng trữ tình.
3. Kết bài:
Khẳng định khúc tình ca Việt Bắc trong tám câu thơ đầu nói riêng, toàn bài thơ Việt Bắc nói chung.
Phân tích tám câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc
Bài văn tham khảo
Văn chương là tấm gương phản ánh con người và thời đại một cách chân thực. Các nhà văn, nhà thơ với tất cả niềm yêu, sự trân trọng đã tái hiện bức tranh cuộc đời qua từng con chữ. Là một người chiến sĩ cách mạng, một người Đảng viên sớm giác ngộ lí tưởng của Đảng. Tố Hữu với rất nhiều tập thơ đã tái hiện các chặng đường Cách mạng dân tộc. Một trong số những tập thơ tiêu biểu cho phong cách Tố Hữu là Việt Bắc. Trong đó, tám câu đầu bài thơ Việt Bắc chính là những vần thơ tiêu biểu cho toàn bộ tập thơ khi tái hiện thành công tình cảm của người đi, kẻ ở:
Mình về mình có nhớ ta
Mười năm lăm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
Mở đầu bài thơ Việt Bắc là lời của người ở lại nói với người ra đi.
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.
Tố Hữu được xem là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình, chính trị sâu sắc. Ông luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, niềm vui lớn. Các tập thơ tiêu biểu của Tố Hữu có thể kể đến như Máu và hoa, Một tiếng đờn…
Việt Bắc là tập thơ tiêu biểu cho tiếng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu. Tập thơ được viết nhân một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng. Đó là tháng 10 năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Bài thơ là tái hiện giây phút chia li bịn rịn, lưu luyến giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Và tám câu thơ đầu của bài là đoạn thơ tiêu biểu cho nội dung, nghệ thuật của toàn bộ bài thơ, toàn bộ tập thơ.
Tác giả đã để người ở lại là người lên tiếng trước là điều tế nhị và hợp lí. Bởi trong mọi cuộc chia li, người ở lại thường không yên lòng, lo rằng đến một miền đất mới, hoàn cảnh sống đổi thay, bạn mình sẽ không giữ được trọn vẹn mối tình thủy chung hay lãng quên quá khứ.
Mình về mình có nhớ ta.
Với cách sử dụng đại từ nhân xưng mình- ta giản dị, thân thiết, với giọng điệu thơ lục bát tâm tình, ngọt ngào, với hình thức câu hỏi tu từ và điệp khúc “mình về mình có nhớ” được lặp lại hai lần, người ở lại không chỉ bộc lộ nỗi niềm băn khoăn, trăn trở, lo âu mà chủ yếu là gợi nhắc người ra đi nhớ về những kỉ niệm ân tình sâu nặng với thời gian, không gian Việt Bắc.
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
“mười lăm năm” là quãng thời gian được tính từ buổi đầu thành lập chiến khu Việt Bắc cho đến cuộc chia li lịch sử này. Đại từ phiếm định ‘ấy” không mang ý nghĩa cụ thể nhưng gắn với cụm từ mười lăm năm thì với người trong cuộc là đồng bào Việt Bắc và cán bộ cách mạng về xuôi, nó đã ghi dấu những kỉ niệm không thể nào quên của những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ hi sinh. Cùng với hai tính từ giàu sắc thái biểu cảm “thiết tha, mặn nồng”, người ở lại còn gợi nhắc người ra đi nhớ về ân tình sâu nặng, thắm thiết, gắn bó giữa những người cán bộ với nhân dân Việt Bắc trong suốt chặng đường mười lăm năm.
Không chỉ gợi nhắc nỗi nhớ thời gian, người ở lại còn gợi nhắc người ra đi nhớ về không gian, cảnh vật, núi rừng Việt Bắc:
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.
Một loạt hình ảnh “cây núi, sông nguồn” trước hết mang ý nghĩa tả thực về thiên nhiên Việt Bắc. Những cảnh vật mà những người cách mạng từng quen thuộc và gắn bó trong suốt mười lăm năm, đồng thời còn mang ý nghĩa biểu tượng. Núi là nơi cây sinh ra và lớn lên, còn sông được bắt đầu từ nguồn. Điệp khúc “nhìn… nhớ” được lặp lại như một lời nhắc nhở, đinh ninh về thắng lợi của ngày hôm nay, và người ra đi sẽ không thể nào quên về Việt Bắc- cái nôi của Cách mạng.
Đoạn thơ thứ hai là tiếng lòng của người ra đi- đó cũng là những lời độc thoại nội tâm da diết.
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
Người ra đi lắng nghe tiếng lòng của người ở lại, lắng nghe những cảm xúc của chính lòng mình và tự nói với chính mình. Bởi vậy, bốn dòng thơ đã trở thành những lời độc thoại nội tâm chân thành và cảm động, giãi bày tình cảm thân thiết của kẻ ở, người đi.
Tình cảm của người đi, kẻ ở trong hai câu câu thơ đầu được diễn tả qua một loạt các từ láy giàu sắc thái biểu cảm “tha thiết, bâng khuâng”. Đó là tiếng nói thiết tha của người ở lại, đó là nỗi lòng bâng khuâng, lưu luyến, bước chân bồn chồn, bịn rịn, không muốn rời xa của người ra đi. Tình cảm tha thiết mặn nồng đó được thể hiện qua một loạt các biện pháp nghệ thuật, những chi tiết đặc sắc ở hai câu thơ cuối:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
“Áo chàm đưa buổi phân li”- câu thơ tưởng chừng như một lời thông báo đơn thuần nhưng lại ẩn chứa biết bao tình cảm lưu luyến của người đi- kẻ ở. “Áo chàm” là một hình ảnh hoán dụ chỉ người dân Việt Bắc. Ngày người Cạch mạng lên đường về xuôi, những người dân Việt Bắc với trang phục áo chàm tiễn đưa người Cách mạng. Còn đối với người ra đi thì màu áo ấy đã trở nên quen thuộc với họ trong “mười lăm năm ấy”.
Tình cảm của người đi- kẻ ở còn được bộc lộ qua những cử chỉ rất đơn sơ mà chân thành, cảm động. Cử chỉ “cầm tay nhau” lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa và cả những giây phút im lặng không nói thành lời “biết nói gì” thể hiện sự xúc động dâng trào mãnh liệt không nói thành lời. Một cách ngắt nhịp 3/3/2 cũng góp phần diễn tả cái ngập ngừng, nghẹn ngào của người của người ra đi trong cuộc tiễn đưa.
Khi chia tay ta nắm lấy tay mình
Điều chưa nói bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn vương lại
Còn bồi hồi trong năm ngón tay ta.
Nhà thơ – người trong cuộc với sự xúc động khôn nguôi đã viết lên tình thơ chứa chan cảm xúc. Thể thơ lục bát, từ láy giàu sắc thái biểu cảm, hình ảnh hoán dụ.. Tất cả đã góp phần làm sắc nét bức tranh tâm trạng của tác giả, của người cán bộ về xuôi và đồng bào Việt Bắc ở lại. Tình cảm giữa cán bộ và nhân dân là tình cảm giữa đồng bào, đồng chí. Họ cùng kề vai sát cánh làm nên chiến thắng của Cách mạng. Sẽ không gì thay thế được tình cảm đã được thử lửa qua năm tháng của họ.
Khúc tình ca Việt Bắc cũng chính là khúc tình ca Cách mạng được minh chứng trong tám câu thơ đầu tiên. Nhịp điệu, tình cảm trong tám câu thơ như lời khẳng định nghĩa tình cho tình cảm chân thành, lưu luyến giữa nhân dân và cách mạng.
Đỗ Thị Thu Trang